Vai trò của người mẹ trong gia đình – Xây dựng và giữ gìn hạnh phúc

Vai trò của người mẹ trong gia đình

Từ bao đời nay, người phụ nữ nói chung và người mẹ Việt Nam nói riêng luôn giữ một vai trò vô cùng quan trọng trong xã hội, trong gia đình.

Người Việt Nam có câu: “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm” chính là để nói lên vai trò đặc biệt của người phụ nữ: Xây dựng và gìn giữ hạnh phúc gia đình.

Trước hết, với thiên chức được tạo hóa ban tặng, đó là làm mẹ, làm vợ, phụ nữ là người sinh thành, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ nhỏ và chăm sóc sức khỏe các thành viên trong gia đình. Có thể nói, người mẹ chính là người thầy đầu tiên của mỗi con người.

Khi còn nhỏ, mẹ chăm sóc, nuôi dưỡng để con khôn lớn mỗi ngày. Khi lớn lên, mẹ là người dạy con những kiến thức đầu tiên, từ lời ăn tiếng nói tới cách ứng xử, từ đạo đức tới tri thức để bước vào đời. Bởi vậy mới có câu thơ:

“Đời thiếu mẹ hiền, không phụ nữ
Anh hùng, thi sĩ hỏi còn đâu?”
(Mac-xim Gorki)

Mẹ còn là tấm gương để cho con cái học tập, noi theo và cũng chính là người có ảnh hưởng quan trọng đến sự hình thành tính cách cũng như nhân cách của mỗi đứa trẻ.

Người mẹ nhân hậu, đảm đang, tháo vát sẽ tạo nên những nguời con có đạo đức, có những tố chất tốt đẹp để trở thành người công dân có ích cho xã hội và ngược lại. Đó cũng là minh chứng cho câu nói bao đời nay của cha ông ta: “Phúc đức tại mẫu”.

Không chỉ chăm sóc và nuôi dạy con cái, người phụ nữ còn mang trên vai một trọng trách: Gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống và sáng tạo nên những giá trị văn hóa gia đình riêng biệt.

Trên cơ sở tiếp thu những giá trị truyền thống tốt đẹp như: “Uống nước nhớ nguồn” (thông qua việc thờ cúng tổ tiên, tham gia các hoạt động đền ơn đáp nghĩa), “thương người như thể thương thân” hay “lá lành đùm lá rách” (thông qua các hoạt động nhân đạo từ thiện, chia sẻ với những người có hoàn cảnh khó khăn), người phụ nữ đã góp phần gìn giữ những giá trị đạo lý nhân văn của dân tộc và phát huy cho thế hệ sau nối tiếp.

Vai trò của người mẹ trong gia đình
Vai trò của người mẹ trong gia đình

Với vai trò là người tổ chức, sắp xếp mọi sinh hoạt trong đời sống hàng ngày, tùy vào tính cách, thói quen, sở thích của mỗi thành viên trong gia đình, mà người phụ nữ hình thành nên một nếp sống, nếp sinh hoạt và những giá trị văn hóa riêng của gia đình mình.

Chẳng hạn như một người mẹ yêu thích nấu ăn, thích du lịch thì việc đi chơi xa, cắm trại, dã ngoại, đi ăn nhà hàng hay tổ chức nấu những món ăn ngon, những bữa tiệc gia đình vào mỗi dịp cuối tuần hay các dịp lễ tết, kỷ niệm là việc làm được duy trì thường xuyên và trở thành thói quen, nền nếp; hay một gia đình yêu thích văn hóa văn nghệ, thì việc thường xuyên tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, đi xem các buổi biểu diễn, phim ảnh… là điều thường thấy; hay một gia đình làm việc và yêu thích lĩnh vực khoa học, thì việc tham gia các buổi triển lãm công nghệ, cùng nhau nói chuyện, tranh luận về các thành tựu khoa học mới là điều dễ hiểu… Mỗi một gia đình nhỏ với những nếp sinh hoạt, phong cách sống riêng biệt sẽ góp phần tạo nên một xã hội đa dạng, phong phú và nhiều màu sắc.

Trong xã hội hiện đại ngày nay, phụ nữ không chỉ làm tốt công việc tề gia nội trợ, chăm sóc gia đình mà còn có năng lực tham gia các công việc xã hội, cùng chồng xây dựng và phát triển kinh tế gia đình.

Thực tế cho thấy, ngày càng có nhiều phụ nữ thành đạt trong sự nghiệp, có địa vị trong xã hội, số phụ nữ giữ vị trí lãnh đạo chủ chốt trong các cơ quan, đơn vị ngày càng nhiều.

Điều đó thể hiện năng lực giỏi giang của người phụ nữ, đồng thời thể hiện sự quan tâm của các cấp, ngành, của toàn xã hội dành cho một nửa của thế giới.

Một người vợ khéo léo, thành công, bên cạnh việc biết quan tâm, chăm sóc gia đình, yêu thương, đồng cảm và chia sẻ với chồng, còn là người sẵn sàng gánh vác kinh tế gia đình cùng chồng.

Nếu như trước đây, hình ảnh người phụ nữ chủ yếu lo việc nội trợ gia đình, thì ngày nay, phụ nữ có thể vừa là người bạn đồng hành, vừa là hậu phương vững chắc của chồng.

Người ta nói rằng “Đằng sau thành công của một người đàn ông luôn có bóng dáng của một người phụ nữ”. Điều đó thể hiện ở việc người phụ nữ luôn sẵn sàng gánh vác mọi công việc gia đình như chăm sóc con cái, nội trợ bếp núc, quan tâm thăm hỏi hai bên nội ngoại… để người chồng có thể toàn tâm toàn ý cống hiến, phấn đấu cho sự nghiệp.

Bên cạnh đó, khi điều kiện cho phép, người phụ nữ cũng sẵn sàng tham gia phát triển kinh tế, cùng chồng nâng cao đời sống vật chất cho gia đình.

“Thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn” là cách nói của người xưa về việc nếu vợ chồng hòa thuận, đồng lòng thì mọi khó khăn trên đời đều có thể vượt qua.

Nói về vai trò của người phụ nữ trong xã hội hiện đại, Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27 tháng 4 năm 2007 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã khẳng định: “Phụ nữ vừa là người lao động, người công dân, vừa là người mẹ, người thầy đầu tiên của con người”.

Tin rằng với sự quan tâm, ghi nhận của các cấp, các ngành, các địa phương, nhất là sự quan tâm, chia sẻ của người chồng, chị em phụ nữ sẽ ngày càng làm tốt hơn vai trò của mình đối với gia đình và xã hội, xây dựng thành công hình ảnh người phụ nữ thế kỷ 21 “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”.

Scroll to Top