Kỹ năng sống: Dậy trẻ kỹ năng cảm ơn, xin lỗi

LÀ TẤM GƯƠNG SÁNG CỦA CON

Các con rất hay quan sát và bắt chước Ông Bà, Cha Mẹ, Thầy Cô, những người gần gũi xung quanh mình trong cách nói năng và cư xử hằng ngày nên người lớn phải làm gương cho con noi theo.

Trẻ nhỏ rất tinh ý khi người lớn dạy trẻ một bài học nhưng lại không làm điều đó.

Tại Khai Trí, các Cô giáo chú ý dạy con nói lời cảm ơn và xin lỗi Ông Bà, Cha Mẹ và Thầy Cô giáo từ những việc nhỏ nhất, ví dụ như con cảm ơn Thầy Cô giáo sau mỗi tiết học, con cảm ơn khi người lớn đưa cho con bất cứ vật gì, con xin lỗi khi va vào người khác, v.v để trẻ thấy được đây là việc nên làm.

Nếu con tỏ ra bối rối hay hỏi tại sao lại phải làm điều đó thì các Cô ân cần và nhẫn nại giải thích cho trẻ.

Các Thầy Cô phối hợp chặt chẽ để giáo dục và làm gương cho các con trong mọi tình huống. Mới đầu chắc chắn trẻ sẽ còn rất ngại ngùng với điều đó, nhưng nếu nói thường xuyên và liên tục sẽ trở thành thói quen tốt.

ky-nang-cam-on
Kỹ năng cảm ơn

NÓI TRÒN CÂU KHI CẢM ƠN HOẶC XIN LỖI

Sẽ thật tiếc nếu bé muốn thể hiện lòng biết ơn với Ông Bà, Cha Mẹ, Thầy Cô và những người xung quanh nhưng lại không biết cách nói lời cảm ơn như thế nào cho đúng.

Chẳng hạn khi nhận quà của Ông Bà, các Thầy Cô giáo tại Khai Trí dạy trẻ nói tròn câu “Con cảm ơn Ông Bà đã tặng quà cho con” thay vì vội vàng nhận quà và nói những câu ngắn cụt như “Con cám ơn” không thôi.

Khi thể hiện những cử chỉ hay lời nói lễ phép, các con được dạy nói tròn câu để thể hiện hết sự chân thành của mình. Một ý định tốt khi không biết cách thể hiện sẽ trở nên không hay.

ĐẶT TÌNH HUỐNG ĐẾ DẠY TRẺ CƯ XỬ

Tận dụng chính sự tự nhiên, các việc xảy ra trong cuộc sống hàng ngày để dạy trẻ, các Cô giáo đặt ra vô vàn các câu hỏi cho bé như: “ Lúc sớm, chị xách hộ con cái cặp thì con nên nói với chị câu gì?”, hoặc “Hôm nay, ở lớp con đã đánh nhau với bạn vì tức giận vậy sau đó con sẽ giải quyết ra sao?”, hoặc “Con ra ngoài để đi uống nước khi đang trong giờ học thì con nên xin phép ai?”, v.v.

Nếu bé trả lời sai, các Cô ngồi xuống phân tích cái đúng, cái sai cho bé hiểu là tại sao con lại phải làm như thế, tại sao con lại phải nói cảm ơn, xin phép, xin lỗi.

Thêm vào đó, chính các cô cũng cảm ơn bé khi nhờ bé giúp việc gì đó, hoặc xin lỗi bé khi cô lỡ nói nhầm. Làm như thế bé sẽ có thể cảm nhận được tầm quan trọng của lời nói.

KHEN NGỢI KHI TRẺ NHẬN LỖI HOẶC BIẾT CẢM ƠN, XIN PHÉP ĐÚNG LÚC

Tại trường mầm non, các con được khen ngợi khi dám đứng ra nhận lỗi và xin lỗi như “Con thật là dũng cảm, việc sai thì mình nên xin lỗi và sửa lại, thế mới là em bé ngoan và hiếu thảo”.

Cũng tương tự như vậy, khi trẻ biết cảm ơn chân thành trước một việc làm tốt của người khác dành cho mình, các con cũng nhận được lời khen thật khéo léo.

ky-nang-cam-on
Kỹ năng cảm ơn

TIẾT HỌC KỸ NĂNG SỐNG

Nằm trong nội dung các tiết học Kỹ năng sống, để giúp trẻ hiểu rõ các tình huống và cách nói lời “cảm ơn”, “xin phép”, “xin lỗi”, sáng thứ Ba ngày 13/8/2019 các con lớp mầm non 2 đã đóng kịch tình huống rất sinh động.

Cô giáo khen các bạn Kim, Dừa, Sóc, Cá, Su Kem đã mạnh dạn xung phong lên đóng kịch. Tình huống kịch là Mẹ (do bạn Dừa đóng) bảo con (Su Kem thủ vai) mang bánh đến biếu Ông Bà (do Sóc và Cá đóng vai).

Trên đường đi có một bạn nhỏ (Kim) không chú ý đã va vào Su Kem, hai bạn xin lỗi và hỏi thăm nhau xem có làm sao không rồi ôm nhau tạm biệt rất vui vẻ.

Khi đến nhà Ông Bà, Su Kem biếu Ông Bà bánh và lễ phép mời nước Ông Bà khiến Ông Bà vừa vui vừa cảm động.

Nhờ trí tưởng tượng sáng tạo và cảm xúc của mình các con đã tái hiện lại hình ảnh của Ông Bà, Bố Mẹ mình trong các hoạt động thường ngày. Khi đóng kịch, trẻ phải thể hiện cử chỉ, điệu bộ, nét mặt đặc biệt là lời nói để làm nổi bật tính cách nhân vật, nhờ đó không những vốn từ và khả năng ngôn ngữ của trẻ phát triển mà khả năng nói lưu loát, mạch lạc của trẻ cũng được nâng cao. Vở kịch kết thúc, các “khán giả” cảm ơn các “diễn viên” đã trình diễn một vở kịch rất hay và bổ ích.

Đôi khi, rèn cho con thói quen biết nói lời “cảm ơn”, “xin phép”, “xin lỗi” đúng lúc, đúng chỗ còn khó hơn dạy cho con thuộc một bài hát.

Con sẽ không là đứa trẻ kém thông minh, nếu con quên một câu thơ. Nhưng mai này, liệu con có trở thành người tốt, nếu không biết nói lời “cảm ơn”, “xin phép”, “xin lỗi”?

Điều này còn phụ thuộc rất nhiều vào việc Ông Bà, Cha Mẹ, Thầy Cô và những người xung quanh là tấm gương sáng cho con trẻ noi theo mọi lúc, mọi nơi, đồng thời kiên nhẫn và cố gắng tập cho trẻ, để dần dần trở thành thói quen của trẻ.

Scroll to Top